Tuesday, June 15, 2010

Tản mạn về sự nghĩ

Tạ Duy Anh
Ngẫu hứng Sáng trưa chiều tối - NXB Hội nhà văn




Vì nhiều lý do mà thời gian đang cắt nhỏ mỗi chúng ta thành nhiều mảnh. Hàng ngày mỗi người hầu như đều rơi vào bi kịch sau đây: Không biết nên làm việc gì trước? Thế là khi ta bắt tay vào việc này thì ý nghĩ lại để ở những việc khác. Đôi khi làm việc này lại cứ tưởng đang làm việc khác. Nếu là lái xe thì không chóng thì chầy cũng gây tai nạn. Nếu là thợ vận hành trước sau cũng phá máy. Nếu là nhân viên thủ quỹ trước sau cũng thụt két...

Nhưng như vậy chưa phải là cái gì đáng nói ở đây. Sự tán tâm, nhiễu tâm...gắn với cá nhân từng người. Nghĩ linh tinh đương nhiên là chả có gì hay ho nhưng dù sao người ta vẫn còn nghĩ. Sợ nhất là hàm lượng nghĩ cứ ngày một ít dần đi và thấy rõ nhất ở trong lĩnh vực sáng tạo. Thấy rõ nhất không phải lĩnh vực này độn sổ về mặt nghĩ so với các lĩnh vực khác- nhiều lĩnh vực ít nghĩ hơn đến mức có cảm tưởng không còn ai ở đó biết nghĩ là gì nữa- mà chỉ đơn thuần là nghệ thuật không thể dấu được sự nghèo nàn đúng hơn là sự hời hợt. Chúng ta đang phải đối mặt với sự hời hợt như một căn bệnh có khả năng lây lan. Chưa bao giờ hời hợt được mùa như bây giờ, ở tất cả mọi nơi, mọi chốn và ở đây tôi cố gắng chỉ nói trong lĩnh vực văn chương, nơi chưa bao giờ số người viết tự bằng lòng với mình đông đảo như hiện nay. Hầu như người ta chỉ cứ cố ép mình ngồi xuống để đánh lừa chính mình rằng ta đang sáng tạo mà ít khi tự hỏi xem thực chất mình đang làm gì? Cứ ngồi xuống là phải có sản phẩm. Các nhà văn hỏi nhau viết được gì, chúc mừng nhau ra được sách mà không thử nghĩ cuốn sách đó có thể là điều vô bổ nhất trên đời và đương nhiên là phí giấy học trò? Sau mỗi trại sáng tác lớn nhỏ lại có hàng lô những thống kê số lượng tác phẩm được ép cho lòi ra để khỏi mang tiếng đi trại chỉ chơi và tán phét. Nhưng thà cứ chỉ tán phét, thậm chí uống rượu rồi đái ngay lên bàn như đã có người từng làm còn hơn, trước hết bởi nó đúng với tinh thần của những trại sáng tác, sau nữa tán phét vô bổ nhưng cũng vô hại.

Những điều đang nói nếu chỉ thế thôi thì cũng chẳng đáng bàn nhiều. Nhưng chính những điều chẳng đáng bàn ấy lại đang gây ra một hiện tượng đáng sợ, đó là người ta cố tìm mọi cách để kẻo nhau xuống cùng một mặt bằng lười nhác. Có thể kiểm chứng ngay điều này bằng cách hãy thử đọc một cuốn sách bất kỳ mà bạn vớ được. Bạn đừng vội đánh giá tác phẩm nào đó tư tưởng đến đâu, nghệ thuật đến đâu, cách tân đến đâu bởi nói chung thì những phẩm chất ấy còn quá xa xỉ với văn chương nước nhà, xa xỉ đến mức phần lớn chúng bị phỉ báng là học đòi lai căng, thiếu bản sắc văn hoá dân tộc...mà chỉ cần xem hàm lượng ý nghĩ trong tác phẩm ấy nhiều hay ít bạn đã đủ thất vọng trong hơn 90% trường hợp. Thể nào cũng sẽ có người tự thấy mình có sứ mệnh phải bênh vực những nhà văn thần kinh yếu lu loa lên rằng: Viết văn mà không suy nghĩ nát óc thì viết thế nào được. Cứ xem các nhà văn đấy mỗi khi ngồi xuống bàn là bóp trán, vặt tóc, rít thuốc đến thóp ngực.:.chả phải vì họ suy nghĩ là gì? Vâng, có ai bảo họ không suy nghĩ.

Nhưng họ suy nghĩ gì thế, lại vẫn còn là điều đáng hỏi. Họ đang nghĩ làm sao phải sớm đưa tác phẩm mới trong ý đồ xuống nhà in vì rất cần một cô bạn gái nào đó đọc trước khi nàng ngả vào tay họ; họ đang nghĩ phải nhanh chóng cho anh A, anh B, anh X…đọc những điều nịnh nọt núp dưới ngôn từ nghệ thuật để mong được nhòm đến họ đang nghĩ mùa giải sắp đến, hoặc năm kỷ niệm chẵn sự kiện lịch sử sắp qua phải mau cho kịp có sách kẻo sang năm mất lượt, họ đang nghĩ đến cái danh hiệu hội viên rất cần có thêm bề dày cho lý lịch sáng tác để ăn chắc; họ đang nghĩ xem khi sách ra thì nhờ ai lăng xê cho có trọng lượng; họ đang nghĩ sắp cho thiên hạ thấy họ cũng đọc sách Tây Tầu như ai; họ đang sốt ruột muốn khoe chữ...họ đang nghĩ những gì nữa nhỉ? Có thể là rất nhiều, chỉ trừ nghĩ về cuốn sách, công trình đang viết làm sao để nó thực sự sâu sắc và bổ ích. Thông thường luôn là một lời tặc lưỡi: Nghệ thuật, học thuật để sau, cốt xong việc cái đã. Còn bao nhiêu việc liên quan đến cơm áo gạo tiền, chức tước bổng lộc- những thứ mà kẻ nào không quan tâm liền bị phỉ báng là ngu, hão huyền hoặc vờ vịt! Người ta quen vụ lợi đến nỗi sự thành thật, thành tâm là thứ khó tin nhất trong thời buổi hiện nay. Một ý nghĩ nữa cũng phổ biến không kém là văn chương, học thuật nước mình- cũng giống như mọi thứ khác- phiên phiến thôi, được thế là tốt rồi.( cũng giống như cứ có gạo thổi cơm ních đầy bụng là tốt rồi, còn đòi gì nữa?) Xem ra cái gã AQ phải nhập tịch Việt Nam, lại phải đóng vai trí thức mới là về đúng quê hương bản quán. Hai mươi năm sau thể nào mình chả có thời gian, can đảm, lòng trung thực, dũng khí, sự trong sạch…để viết một cái gì thật hảo hán! Mà hai mươi năm, còn trẻ chán để làm những việc của cả đời. Từ nay đến đó, cứ tà tà, chả đi đâu mà vội. Những lời tự nhủ như vậy tràn ngập trong giới trí thức nói chung và giới sáng tác văn chương nói riêng. Nhưng dù có tràn ngập đến đâu cũng không thể nhiều hơn những lời tương tự của đám ca ve nước nhà cộng lại khi cô nào mỗi ngày, với mỗi ông khách cũng đểu bảo lần sau anh đến không gặp em nữa đâu bởi tiếp nốt anh là em bỏ nghề, là em về với chính chuyên để còn lấy chồng. Chỉ khác đám viết lách là các cô cho thấy khả năng nắm rất vững về mặt tâm lý khi nhận ra rằng cảm giác của người lần cuối cũng dễ gây xúc động mạnh y như của người lần đầu.

Chúng ta mỗi ngày lại nghĩ ít đi. Điều này giống như hiểm hoạ tinh thần hơn chỉ là một thực trạng xã hội. Mỗi ngày có hàng chục cuốn sách hàm lượng nghĩ không đáng kể ra đời. Hàng lô những bài phê bình, điểm sách rẻ tiền độc giả phải đọc hàng ngày, giống như ăn cơm gạo mậu dịch nấu trên sống dưới khê chắc chắn không nhiều nghĩ (Hẵng đặt lòng tự trọng sang một bên bởi phẩm chất đó cũng là thứ xa xỉ, lai căng đối với dân viết lách nước nhà). Nhiều làm sao được khi họ vừa viết vừa tự mãn như một kẻ luôn tưởng mình được tôn thờ. Rồi nếu bạn có đủ kiên nhẫn dạo qua những nơi đám trí thức hàng đầu tụ tập nhau lại xả láng, bạn sẽ thấy hình như đang lan tràn một trạng thái vô lo vô nghĩ, vô cảm ở đất nước ngàn năm văn hiến! Riêng tôi nếu phải đơn cử một danh sách các nhà văn, nhà thơ có hàm lượng nghĩ cao trong tác phẩm, ít ra cũng đủ để tự trọng, thì tôi cũng chỉ cố đếm ra được đến con số trên dưới 20 người. Họ thuộc số những kẻ lập dị đáng ghét và đương nhiên là bị giễu cợt trong mắt đám khôn như chấy luôn biết mình nên nghĩ cái gì có lợi cho bản thân. Một trong những ý nghĩ hiếm hoi còn có ở họ là chả dại gì mà nghĩ nhiều cho đau đầu.

Liệu có bao nhiêu người đang nghĩ về thực trạng này, bây giờ hay cũng lại phải hai mươi năm sau?

Nguồn: Ngẫu hứng Sáng trưa chiều tối - NXB Hội nhà văn
Theo http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tan_man_ve_su_nghi/

Xin cám ơn tác giả

No comments:

Post a Comment